Tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) dự kiến đưa vào hoạt động từ năm 2021. Tuyến metro này sẽ có hàng loạt nhà ga ngầm trong khu vực trung tâm. Từ các nhà ga này, TP. HCM sẽ phát triển một mạng lưới không gian ngầm, kết nối đến các tầng hầm của các tòa nhà riêng lẻ và hình thành dần các trục đi bộ ngầm phục vụ cộng đồng.
Theo kế hoạch tuyển chọn “Ý tưởng thiết kế đô thị và không gian ngầm khu vực nhà ga Bến Thành”, việc thiết kế đô thị và không gian ngầm khu vực nhà ga Bến Thành phải đáp ứng yêu cầu về quy hoạch, kiến trúc, đạt hiệu quả kinh tế cao, bảo vệ môi trường. Khu Trung tâm thương mại ngầm Bến Thành phải kết nối hài hòa với không gian đô thị các tuyến đường xung quanh như Lê Lợi, Hàm Nghi, Đồng Khởi, Nguyễn Huệ và các tòa nhà trung tâm thương mại lân cận.
Trung tâm thương mại ngầm Bến Thành được thành phố dự kiến xây dựng có diện tích khoảng 45.000m2 gồm khu vực cửa hàng thương mại rộng 18.100m2, hành lang và quảng trường ngầm rộng 21.500m2.
Theo quy hoạch phát triển hệ thống Metro của TP. HCM, nhà ga trung tâm Bến Thành sẽ là đầu mối của 4 tuyến Metro: số 1, số 2, số 3a, số 4. Chính vì vậy, để phục vụ nhu cầu đi lại, mua sắm của người dân, TP. HCM đã quyết định xây dựng trung tâm thương mại ngầm Bến Thành tích hợp với khu vực nhà ga.
Dự án trung tâm thương mại ngầm Bến Thành nằm ở khu vực phía dưới quảng trường Quách Thị Trang và dọc đường Lê Lợi, đoạn từ chợ Bến Thành đến khu vực Nhà hát Thành phố.
Dự kiến, TP. HCM sẽ ưu tiên phát triển không gian ngầm tại khu vực trung tâm hiện hữu mở rộng (bao gồm quận 1, 3 và một phần quận 4, Bình Thạnh) rộng 930ha. Trong đó, đặc biệt tập trung xây dựng không gian ngầm quanh khu vực nhà ga Bến Thành và Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2 – khu đô thị đang phát triển và gắn liền với trung tâm hiện hữu.
Không chỉ khu trung tâm, ở một số khu vực trong nội thành khác, TP. HCM cũng đã xây dựng quy hoạch làm bãi đậu xe ngầm và các hành lang kết nối không gian ngầm. Ngoài ra, TP. HCM cũng nghiên cứu quy hoạch không gian ngầm tại khu vực tuyến Metro số 2 đang được triển khai đầu tư.
Trước đó, từ tháng 6/2020, tầng B1 của ga Nhà hát TP. HCM đã chính thức hoàn thành. Ga Nhà hát TP. HCM cùng với ga Ba Son và ga Bến Thành là 3 ga ngầm thuộc tuyến Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên). Công trình này pha lẫn kiến trúc cổ điển từ 3 công trình lịch sử như Nhà hát TP. HCM, UBND TP. HCM và khách sạn Rex. Tầng 1 nhà ga gồm sảnh chờ, máy bán vé, cổng thu phí tự động, phòng hướng dẫn thông tin cho hành khách. Tầng 2 là sân ga – nơi có tàu dừng, đỗ để đón và trả khách.
Nhà ga Metro Trung tâm Bến Thành là nhà ga chung cho 4 tuyến Metro, gồm: Tuyến số 1 (Bến Thành, Quận 1 – Suối Tiên, Quận 9), tuyến metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương, Quận 12) , tuyến metro số 3a (Bến Thành – Bến xe miền Tây, Quận Bình Tân), Tuyến metro số 4 (Thanh Xuân, Quận 12 – Khu công nghiệp Hiệp Phước, Nhà Bè).
Nguồn : baomoi.com